11 min read

Chọn loại tiền điện tử nào để đầu tư?

Chọn loại tiền điện tử nào để đầu tư?
Photo by Sajad Nori / Unsplash

Để biết cách chọn được một đồng coin "tốt", chúng ta phải hiểu các yếu tố ảnh hưởng đến chúng, trong đó có công nghệ Blockchain. Tiền mã hoá và công nghệ blockchain là hai thực thể độc lập, nhưng lại bổ sung cho nhau. Tiền mã hoá là một sản phẩm đặc biệt của công nghệ blockchain; hay nói cách khác, công nghệ blockchain chính là nền công nghệ "chống lưng" cho những đồng tiền điện tử nổi tiếng.

Như vậy, bên cạnh việc phụ thuộc vào quy luật cung-cầu hay các biến động của thị trường như những danh mục đầu tư khác, tiền mã hoá còn bị ảnh hưởng bởi các yếu tố công nghệ, nguồn cung, và sự ủng hộ của cộng đồng.

Tiêu chí chọn coin tốt

#1 Tính thanh khoản của coin

Đây là yếu tố quan trọng nhất mà bất cứ nhà đầu tư nào cũng phải quan tâm. Tính thanh khoản càng cao, chứng tỏ tài sản đó càng dễ đổi ra tiền mặt hoặc một loại tài sản khác mà không làm giảm hay mất giá trị của nó.

Trong đó, lượng coin lưu hành (circulating supply), khối lượng giao dịch (volume), giá trị vốn hoá thị trường (market cap), và sự ủng hộ của cộng đồng là những yếu tố quan trọng quyết định tính thanh khoản.

Cũng như trên sàn giao dịch, tính thanh khoản của một đồng coin giúp nhà đầu tư linh động hơn trong những quyết định đầu tư của mình.

#2 Giá trị nội tại của coin

Nếu bạn là một nhà đầu tư dài hạn, bạn quan tâm đến danh mục đầu tư vì cho rằng đó là thứ giá trị bền vững mà không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố thị trường; thì giá trị nội tại của đồng coin trong danh mục đầu tư chính là tiêu chí quan trọng nhất mà bạn nên nhắm đến.

Giá trị nội tại của 1 đồng coin crypto bao gồm nền công nghệ, kỹ thuật, và cả tính ứng dụng của nó. Ngoài ra, đội ngũ phát triển - những người ra quyết định quan trọng cho sự tồn-vong của một đồng coin - cũng là yếu tố mà các nhà đầu tư quan tâm.

#3 Nguồn cung của coin

Không giống như chứng khoán hay Forex - các công ty có thể phát hành thêm cổ phiếu hay các chính phủ có thể in thêm tiền, các đồng coin có nguồn cung rất giới hạn; và người ta tạo ra chúng bằng cách đào (mining).

Tất nhiên, không phải tất cả mọi đồng coin đều như thế! Tuy vậy, dựa vào tính khan hiếm trong quy luật cung-cầu, nguồn cung của các đồng coin hạn chế làm cho giá thị trường của đồng coin không bị lạm phát trong dài hạn. Bên cạnh đó, chi phí đào coin cũng ảnh hưởng đến nguồn cung.

#4 Sự ủng hộ của cộng đồng

Không có gì phải bàn cãi thêm về tiêu chí này! Các loại hình đầu tư nhận được sự quan tâm của cộng đồng sẽ có phần dễ-tồn-tại hơn những đồng coin khác. Khi càng nhiều người ủng hộ, thì sẽ càng có nhiều người biết đến và đầu tư, cũng nhờ thế mà tính thanh khoản sẽ cao hơn. Ngoài ra, việc có nhiều người đầu tư sẽ làm cho giá trị của đồng coin đó tăng lên do tính khan hiếm của quy luật cung-cầu.

Như vậy, một đồng coin "tốt" có thể được dựa trên rất nhiều yếu tố, và những yếu tố này góp phần bổ sung cho nhau. Càng nhiều tiêu chí được đáp ứng, đồng coin đó càng an toàn và mang lại giá trị bền vững cho nhà đầu tư.

Tuy nhiên, một đồng coin xuất hiện trên thị trường còn bị ảnh hưởng từ những yếu tố ngắn hạn khác. Là đầu tư thông minh, bạn hãy chuẩn bị tâm lý để "ứng biến" với thị trường nhé!

6 chiến lược đầu tư trade coin cho các nhà đầu tư


#1 Đa dạng hoá danh mục đầu tư

"Đừng nên để tất cả trứng vào cùng một giỏ" là một trong những quy tắc đầu tư phổ biến nhất mà chúng ta vẫn hay nghe nói đến. Trong thị trường hiện nay, đặt niềm tin hoàn toàn vào bất cứ điều gì cũng là việc vô cùng nguy hiểm và rủi ro. Vì thế, cụm từ "đa dạng hoá danh mục đầu tư" ra đời như một giải pháp hạn chế rủi ro hiệu quả.

Như chúng ta đã biết, các đồng coin khác nhau có tính thanh khoản, giá trị nội tại và niềm tin của cộng đồng không giống nhau. Vì thế, tại từng thời điểm, các đồng coin cũng có sự thay đổi khác nhau. Thông thường, BTC là đồng coin chiếm được nhiều cảm tình của nhà đầu tư nhất, nhưng lại là một trong những đồng coin có biến động giá cao (volatility cao) trên thị trường.

Do đó, việc đa dạng hoá danh mục đầu tư là rất cần thiết để giữ tài sản ở mức cân bằng. Thông thường, nhà đầu tư lựa chọn danh mục đa dạng với các tiêu chí:

  • Giá trị thị trường (giá) cao
  • Giá trị nội tại cao
  • Biến động giá (volatility) thấp

#2 Coin có biến động giá 24h ở mức vừa phải

Cột "Change 24h" hay trạng thái đỏ/xanh của thị trường trong hầu hết các biểu đồ biểu thị độ thay đổi trên giá của đồng coin so với thời điểm cách đó 24h. Như vậy, chỉ số này nên cao hay thấp thì tốt? Câu trả lời là vừa phải, khoảng 1-3% là tốt! Tại sao vậy?

Minh hoạ cột change 24h coinmarketcap

Nếu chúng ta xét về góc độ kỹ thuật, thì đây là dạng giao dịch theo xu hướng thị trường. Như vậy, mọi người có thể thấy, nếu trong vòng 24h mà thị trường tăng chưa đến 1% thì xu hướng tăng vẫn chưa được hình thành rõ ràng, và đảo chiều là tình huống hoàn toàn có thể xảy ra với xác suất 50/50 cơ bản.

Ngược lại, nếu xu hướng thị trường đã rõ ràng (tăng quá 3%), đó là thời điểm muộn để vào lệnh; vì đằng sau việc tăng quá cao sẽ là xu hướng bị đảo chiều, tất cả chỉ còn là vấn đề thời gian!

Thông thường, các nhà đầu tư chuyên nghiệp rất ít khi sử dụng chỉ số này, bởi lẽ thị trường vốn có nhiều biến động trong khoảng thời gian 24h đó. Tuy nhiên, đây có lẽ là chỉ số "dễ hiểu" và bao quát nhất mà bất cứ ai cũng có thể áp dụng. Do đó, các quyết định đầu tư sử dụng mẹo "1-3% thay đổi" này chỉ mang tính chất tương đối; thế nhưng, tips này khá hiệu quả cho những nhà đầu tư ngắn hạn.

#3 Sử dụng website Coinmarketcap

Nếu bạn là nhà đầu tư thiên về số liệu, hoặc bạn chỉ giao dịch ngắn hạn mà không quan tâm nhiều đến các giá trị nội tại của danh mục đầu tư; vậy thì, coinmarketcap chính là công cụ đắc lực cho bạn.

Tại trang web này, bạn sẽ tìm thấy tất cả các đồng coin được niêm yết trên thị trường, từ những coin lớn như BTC, ETH, ... đến những coin nhỏ mới vừa được niêm yết. Bên cạnh đó, các thông tin về thị trường như giá trị vốn hoá, khối lượng coin lưu hành, nguồn cung, và ty tỷ thứ khác.

Nếu bạn đang nóng lòng muốn biết tất-tần-tật các bí mật của công cụ này thì hãy đón xem chương tiếp theo, Remitano sẽ bật mí tuyệt chiêu "hack" số liệu của coinmarketcap một cách thần-sầu nhất!

#4 Học hỏi thêm kinh nghiệm thông qua các diễn đàn đầu tư

Nếu bạn là một nhà đầu tư mới, vẫn chưa hiểu hết các khía cạnh của thị trường, hay thậm chí là những kiến thức 'sách vở' cũng chưa ứng dụng thành thạo. Vậy thì, hãy dạo quanh các diễn đàn uy tín, và tất nhiên, đó phải là "hội bàn tròn" của các nhà đầu tư có nhiều kinh nghiệm. Sau đó, xem họ nói gì về thị trường trong ngày, và áp dụng vào trường hợp của chúng ta.

Tuy nhiên, việc các chuyên gia và nhà kinh tế vẫn ỏm tỏi với nhau trên báo là chuyện thường. Vì vậy, không lạ gì khi bạn bắt gặp cảnh "ông nói gà, bà nói vịt". Tuy nhiên, những lập luận, bằng chứng của họ đều dựa vào logic và kinh nghiệm lâu năm trong thị trường mà có.

Do vậy, để việc tham khảo này hiệu quả, bạn cần phải sáng suốt xác định mục tiêu và trường phái đầu tư mà mình đang theo đuổi để có quyết định phù hợp.

Hiện nay, TradingView là một diễn đàn tốt trong giới crypto dựa theo những tiêu chí đó. Tại trang web này, bạn sẽ dễ dàng tìm thấy mục "Ideas" cho tất cả các trường phái đầu tư trên thị trường, và các mục khác để tìm hiểu về các thông số cơ bản. TradingView hiện đang phục vụ nhiều thị trường, trong đó có cả Việt Nam.

#5 Đầu tư vào những đồng coin "ruột"

Tại phần đầu tiên của bài viết, chúng ta đã thống nhất tính hiệu quả của việc đa dạng hoá danh mục đầu tư. Tuy nhiên, nên đầu tư bao nhiêu coin, có phải rằng càng nhiều càng tốt? Câu trả lời là không, theo biểu đồ tương đồng về số lượng danh mục và mức độ phân bố rủi ro, chúng ta có thể thấy: khi đạt đến ngưỡng số lượng nhất định, mức độ rủi ro sẽ không gỉảm và gần như bão hoà mức rủi ro phi hệ thống bằng 0.

Như vậy, thay vì tập trung vào rất-nhiều-coin, hãy tập trung vào những đồng coin mà bạn hiểu rất rõ, biết rất rõ, và theo dõi thông tin cũng như số liệu của chúng hàng ngày.

Tuy vậy, việc chọn coin ruột không hoàn toàn là một việc làm ngẫu hứng! Có một mẹo nhỏ cho bạn là: hãy chọn những đồng coin có tính chất, và xu hướng gần như trái ngược, hoặc ít nhất là khác nhau, để có thể bao quát được thị trường!

#6 Bài trừ coin "rác"

Tuỳ theo định nghĩa của từng người về "coin rác" mà chúng ta có những nhận định riêng về việc này. Ở đây, hãy tạm chấp nhận với nhau rằng coin rác là loại coin không có giá trị nội tại, hoặc giá trị nội tại của chúng rất thấp; và dĩ nhiên, chúng luôn ở cuối bảng xếp hạng.

Điều đó có nghĩa là, nếu một đồng coin nhỏ, vừa mới ra thị trường, nhưng lại sở hữu tiềm năng công nghệ lớn, tính ứng dụng cao, v.v... và vấn đề chỉ là tuổi đời còn quá trẻ; thì chúng ta sẽ không kể đến trong phạm vi của phần này.

Nói đến đây, chắc mọi người đang thắc mắc rằng nếu định nghĩa "coin rác" như thế thì ai dại gì mà đầu tư vào(?!) Nhưng không, điều đáng nói ở đây là những đồng coin đó không nằm yên ở "đáy của xã hội" mà chúng thường sẽ "phóng" lên những vị trí trong top 40 hay thậm chí là top 10 nhờ đội ngũ marketing hùng hậu. Vâng, đó là hiện tượng mà chúng ta vẫn hay gọi là "bong bóng" và luôn đứng trước nguy cơ "bị nổ" bất cứ lúc nào.

Tất nhiên, coin rác cũng là một danh mục đầu tư và chúng ta hoàn toàn có cơ hội kiếm lời từ nó. Tuy vậy, việc xác định xem liệu đồng coin đó đã đến độ "chín muồi" chưa hay đâu là thời điểm để bán cần nhiều kinh nghiệm và tiềm ẩn rủi ro rất lớn. Ngoài ra, khi nhận thấy một hiện tượng, chúng ta cần phải xem xét thật kỹ những yếu tố nền tảng, giá trị nội tại cũng như tính bền vững của nó để đưa ra những quyết định sáng suốt.