19 min read

Những sự kiện quan trọng trong thế giới tiền điện tử

Những sự kiện quan trọng trong thế giới tiền điện tử
Photo by Traxer / Unsplash

Những năm 2000: Sự khởi đầu của Bitcoin

Dù một số người nghĩ rằng người có bí danh Satoshi Nakamoto đã đặt nền tảng cho sự phát triển của tiền điện tử, ông được truyền cảm hứng bởi khái niệm mật mã khoá công khai, lần đầu tiên được giới thiệu với công chúng bởi hai học giả của Đại học Stanford vào năm 1976, và tiền điện tử (electronic money), lần đầu tiên được nghiên cứu bởi nhà mật mã học người Mỹ David Chaum vào những năm 1980. Những năm 1990 đã chứng kiến một số nỗ lực trong việc xây dựng một hệ thống tiền mặt kỹ thuật số ẩn danh và hiệu quả; tất cả những nỗ lực này chắc chắn đã góp phần định hình tương lai của tiền điện tử.

Tuy nhiên, trước khi Bitcoin xuất hiện, đã có một tác nhân gây đảo lộn hệ thống tài chính toàn cầu - còn được biết với cái tên "bong bóng dot-com." Internet mà chúng ta rất quen thuộc ngày nay đã từng là một phát kiến làm thay đổi cuộc sống, khi kết hợp với sự đầu cơ quá mức trong thị trường bất động sản tại Hoa Kỳ và những bất ổn tài chính khác trên toàn thế giới, đã gây ra cuộc Khủng hoảng tài chính vào năm 2008. Bitcoin ra đời trong cùng năm đó, cố gắng giải quyết các vấn đề và theo đuổi sự tự do bằng bất kỳ cách nào mà chúng ta có thể tưởng tượng được.

2008 - 2009: Mạng Bitcoin (Bitcoin Network)

Nakamoto đã mua tên miền Bitcoin.org và xuất bản Sách trắng Bitcoin trên đó vào năm 2008. Bài viết này miêu tả ứng dụng cơ chế đồng thuận Proof-of-Work (PoW) của Mạng Bitcoin, một “hệ thống tiền mặt điện tử ngang hàng" cùng với token có nguồn cung giới hạn (21 triệu). Khối genesis được khai thác vào năm 2009, đưa 50 Bitcoin vào lưu hành. Một tin nhắn được mã hoá trong khối genesis đề cập đến cuộc khủng hoảng tài chính vào 2008 và cách chính phủ giải cứu các ngân hàng. Nakamoto cũng là người đầu tiên thực hiện giao dịch Bitcoin vào ngày 12/01/2009.

Một điều làm cản trở những người đam mê Bitcoin trong năm nay chính là độ khó của việc đào Bitcoin, được thể hiện qua lượng tiêu thụ điện và năng lượng máy tính. Việc khai thác Bitcoin yêu cầu các máy phần cứng chuyên dụng có GPU cực mạnh; chính đặc điểm vốn có này của PoW giúp giữ cho mạng an toàn và công bằng nhưng cũng khiến Bitcoin trở thành đối tượng của những lời chỉ trích về vấn đề môi trường.

2010: Bitcoin Pizza Day

Một sự kiện quan trọng với Bitcoin và có thể là với toàn bộ thị trường tiền điện tử diễn ra vào 22/05/2010 khi một người đàn ông ở Florida đã trả 10,000 BTC cho hai chiếc bánh pizza Papa Johns. Đó là giao dịch thương mại Bitcoin đầu tiên, dù thực tế thì hai sàn giao dịch tiền điện tử đầu tiên là BitcoinMarket.com và Mt.Gox đã được thành lập, cho phép giao dịch công khai Bitcoin đầu tiên ở giá 0.03 USD/BTC vào đầu năm 2010.

Satoshi Nakamoto đã biến mất một cách bí ẩn vào khoảng tháng 12/2010. Trong suốt nhiều năm, một số người đã tự xưng là Nakamoto, nhưng danh tính thực sự của Nakamoto chưa bao giờ được tiết lộ.

2011-2014: Khởi nguồn của mọi thứ

Bạn có thể xem giai đoạn này là bước đệm của không gian tiền điện tử, nơi những khái niệm mới được phát triển và dần hoàn thiện.

2011: Những altcoin đầu tiên

Khi Bitcoin bắt đầu thu hút sự chú ý của công chúng, những người khác đã tạo ra các token của riêng họ như là một giải pháp thay thế cho Bitcoin - ngày nay thường được gọi là "altcoin". Hai altcoin đầu tiên được công nhận chính thức là Namecoin (NMC) của Vincent Durham và Litecoin (LTC) của Charlie Lee, cả hai đều được tách ra từ mã nguồn Bitcoin và vẫn hoạt động cho đến nay. Litecoin hiện là tiền điện tử lớn thứ 20 tính theo vốn hóa thị trường.

Những ví tiền điện tử lâu đời nhất là hai ví phần mềm có tên BitPay và Electrum. Cho đến nay, Electrum vẫn chỉ dành riêng cho Bitcoin, trong khi BitPay đã mở rộng dịch vụ trong nhiều năm để hỗ trợ thêm các loại tiền điện tử khác.

2011 cũng là năm đánh dấu một cột mốc mới trong sự tăng trưởng của giá Bitcoin khi đồng tiền này lần lượt đạt mức ngang bằng với Đô la Mỹ (USD), Euro (EUR) và Bảng Anh (GBP). Đó có thể là lý do đằng sau quyết định đồng ý nhận quyên góp bằng Bitcoin của WikiLeaks.

2012: Halving đầu tiên của BTC

Bên cạnh nguồn cung có hạn, thiết kế của Bitcoin còn củng cố thêm lý thuyết về sự khan hiếm với một tính năng được lập trình sẵn: Bitcoin Halving, dự kiến diễn ra khoảng bốn năm một lần. Việc phát hành khối đã giảm từ 50 BTC mỗi khối xuống còn 25 BTC mỗi khối, góp phần làm tăng giá BTC gấp hàng trăm lần từ 12 USD vào ngày 28/11/2012 lên 1,217 USD một năm sau đó. Bitcoin dần đạt được sức hút, dẫn đến việc thành lập Bitcoin Foundation sau đó. Một kỷ lục đã được ghi nhận khi 1,000 thương nhân bắt đầu chấp nhận thanh toán BTC qua BitPay.

Coinbase đã huy động thành công 600,000 USD để thành lập công ty. Bitcoin Magazine, do Mihai Alisie và Vitalik Buterin sáng lập, đã xuất bản số đầu tiên trong cùng năm.

Về việc chấp nhận của các quốc gia, Estonia là nền kinh tế đầu tiên sử dụng công nghệ blockchain cho dự án ID kỹ thuật số của mình.

2013: Sự kiện ICO đầu tiên

Năm 2013 là một năm đáng nhớ khi Bitcoin vượt mốc 1,000 USD và Reddit đã chấp nhận đăng ký thành viên vàng bằng BTC. Chợ đen Silk Road đã ngừng hoạt động với 26,000 BTC bị FBI tịch thu. Vào tháng 10, các máy ATM Bitcoin đầu tiên đã được lắp đặt tại Vancouver, Canada, cho phép chuyển đổi Bitcoin thành tiền mặt và ngược lại.

Đáng chú ý nhất là kiểu gây quỹ cộng đồng mới với tên gọi Chào bán coin lần đầu (ICO), được khởi xướng khi Mastercoin (OMNI) gọi vốn thành công. Dự án đã nhận được 4,740 Bitcoin (tương đương 500,000 USD), phần lớn đến từ các thành viên của diễn đàn bitcointalk.org, để phát triển nền tảng của mình. Các nhà sáng lập của Mastercoin không ngờ rằng ý tưởng của họ đã tạo ra xu hướng cho nhiều dự án blockchain trong những năm tiếp theo, và ở một mức độ nào đó, mở đường cho sự ra đời của Ethereum hai năm sau.

2014: NFT và những stablecoin đầu tiên

Đầu năm 2014 là thời gian khá ảm đạm khi Mt.Gox, sàn giao dịch Bitcoin ban đầu chiếm 70% giao dịch trên thế giới, bị tấn công và phải nộp đơn xin phá sản. 850,000 Bitcoin (tương đương 460 triệu USD vào thời điểm đó) đã mất tích do sự kiện này, là một hồi chuông cảnh báo cho những người sử dụng tiền điện tử thiếu thận trọng. Điều đó đã khiến giá của Bitcoin giảm 50%, mọi người bắt đầu chuyển sự tập trung sang các ứng dụng blockchain khác: NFT, stablecoin, privacy coin và ví phần cứng.

- Tháng 1/2014: DASH (ban đầu là XCoin), privacy coin đầu tiên, loại tiền được thiết kế để ẩn đi luồng giao dịch, được tạo ra như một nhánh (fork) của Bitcoin.

- Tháng 5/2014: "Quantum", NFT đầu tiên, được đúc bởi nghệ sĩ kỹ thuật số Kevin McCoy trên blockchain Namecoin.

- Tháng 7/2014: bitUSD, một token được phát hành trên blockchain BitShares, định nghĩa thuật ngữ stablecoin bằng cách gắn giá trị của đồng tiền đó với giá trị thị trường của những đồng nội tệ như USD. Một phát minh khác được công bố trong cùng tháng đó là ví phần cứng đầu tiên dành cho tiền điện tử của Trezor, theo sau là Ledger. Ethereum đã tổng kết tháng với 31,591 Bitcoin được huy động sau 42 ngày.

- Tháng 9/2014: NuBits là stablecoin thứ hai được tạo ra. Trong tháng này, ​​giao dịch hoán đổi Bitcoin không thông qua bên thứ ba đầu tiên được chấp nhận bởi Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai Hoa Kỳ (CFTC).

- Tháng 11/2014: Tether đã tung ra stablecoin đầu tiên được hỗ trợ 100% bằng tài sản thực là USDT.

Không nản lòng trước sự rối ren của thị trường, nhiều công ty niêm yết vẫn công bố phương thức thanh toán Bitcoin mới, bao gồm Stripe, Paypal, Dell và Microsoft.

2015-2018: Sự trỗi dậy của tiền điện tử

Nhiều đội ngũ đã khởi động quá trình phát triển các dự án tiền điện tử thông qua ICO, với mong muốn trở thành người kế thừa của Ethereum.

2015: Nguồn gốc của Ethereum

Mainnet đầu tiên của Ethereum - Frontier, đã được ra mắt vào năm 2015. Khoảng hai năm sau khi Vitalik Buterin và cộng sự của ông đưa ra đề xuất về sách trắng (whitepaper) của mình. Sau đó, họ tiếp tục đề xuất về tiêu chuẩn ERC-20, điều này cực kỳ quan trọng đối với sự ra đời của các hợp đồng thông minh và các ứng dụng blockchain đa dạng hơn. Giá của Ethereum dao động dưới mức 1 USD, nhưng các nhà đầu tư đều đồng ý về tiềm năng vô hạn của dự án.

Nhìn chung, đây là một năm tích cực đối với tiền điện tử kể từ khi Coinbase trở thành sàn giao dịch tiền điện tử được quản lý đầu tiên tại Hoa Kỳ và một sàn giao dịch khác cũng có trụ sở tại Hoa Kỳ được ra đời chính là Gemini. Bitcoin đã được giới thiệu trên trang bìa của tạp chí The Economist, với tên gọi "Cỗ máy Niềm tin " và tiếp tục là trọng tâm chính của Stripe khi startup thanh toán này bắt đầu tích hợp thanh toán BTC cho thương nhân.

Hơn nữa, sự quan tâm của các tổ chức tài chính đối với công nghệ blockchain đã tăng lên đáng kể: JPMorgan, Goldman Sachs và Bank of America đã thỏa thuận tạo ra khuôn khổ blockchain trong toàn ngành ngân hàng, trong khi NASDAQ tiến hành thử nghiệm blockchain đầu tiên của mình.

2016: Vụ tấn công DAO

Homestead đã hoạt động với tư cách là mainnet thứ hai của Ethereum. Một hình thức tổ chức không cần niềm tin mới được thành lập trên blockchain Ethereum nhờ vào việc phát minh ra các hợp đồng thông minh. Tên dự án, Tổ chức tự trị phi tập trung (DAO), hiện đang được sử dụng để mô tả tất cả các thực thể do cộng đồng lãnh đạo được xây dựng trên blockchain. Tính cường điệu xung quanh dự án mang tính cách mạng này chính là nằm ở thiết kế độc đáo về việc phân phối quyền bình đẳng và đây cũng là dự án cao cấp đầu tiên trên mạng Ethereum, đã huy động được 150 triệu USD bằng Ethereum vào thời điểm đó. Tuy nhiên, trước khi đạt được thành công, một hacker đã khai thác được những lỗ hổng trong đoạn mã của dự án và đánh cắp 3.6 triệu USD (một vài người nói rằng con số này lên đến 14 triệu USD) từ quỹ của The DAO.

Cộng đồng Ethereum đã bị ảnh hưởng nặng nề vì 14% token lưu hành được lưu trữ trong hợp đồng thông minh của The DAO khi cuộc tấn công diễn ra. Một số câu hỏi liên quan đến bảo mật và thậm chí là cả khả năng tồn tại của mạng chỉ mới một năm tuổi này đã nảy sinh, thúc đẩy các công ty khai thác, sàn giao dịch và nhà điều hành nút triển khai hard fork Ethereum tại khối 192,000.

Bitcoin đã trải qua Halving lần thứ hai, giảm số lượng BTC được tạo ra trên mỗi khối từ 25 xuống còn 12.5. Đây không phải là lý do duy nhất đằng sau mức giá kỷ lục mà Bitcoin đạt được vào năm 2017, nhưng chắc chắn là một trong những động lực chính của sự kiện này. Chicago Mercantile Exchange (CME), thị trường phái sinh hàng đầu thế giới, đã ra mắt Chỉ số giá BTC, báo hiệu nhận thức và sự hiện diện của các tổ chức đã gia tăng trên thị trường tiền điện tử.

2017: Năm của ICO

Nhiều người gọi 2017 là năm nổi bật trong lịch sử tiền điện tử. Tổng cộng có 435 đợt ICO đã diễn ra, với số tiền huy động khổng lồ lên đến 5.6 tỷ USD. ICO nổi tiếng nhất phải nói đến chính là Filecoin, đây cũng là ICO đầu tiên tuân thủ SAFT (Thỏa thuận đơn giản cho các token trong tương lai) ràng buộc về mặt pháp lý của SEC. Binance được thành lập bởi Changpeng Zhao vào giữa năm 2017 và đã nhận được 15 triệu USD từ ICO trong cùng năm, nhưng Trung Quốc đã đi ngược lại với lệnh cấm ICO của mình vào tháng 9.

Lĩnh vực DeFi (Tài chính phi tập trung) bắt đầu nổi lên với sự ra mắt của stablecoin DAI được thế chấp bằng tiền điện tử chính. Tổng giá trị khóa (TVL) của DeFi lần đầu tiên đạt 1 triệu USD. Trò chơi NFT đầu tiên - CryptoKitties - nhanh chóng trở nên phổ biến, đẩy khả năng giao dịch của Ethereum đến giới hạn của mình.

Trong khi đó, Nhật Bản đã chính thức công nhận Bitcoin là một loại tiền tệ vào năm 2017, cung cấp môi trường pháp lý tiến bộ nhất cho thị trường. Ngân hàng đầu tiên bán Bitcoin trực tiếp cho khách hàng của mình là ngân hàng tư nhân Falcon có trụ sở tại Thụy Sĩ. CME và CBOE (Chicago Board Options Exchange) đã công bố Futures Bitcoin của họ, cho thấy những tên tuổi lớn trên thị trường vốn truyền thống đã tham gia cuộc chơi.

2018: Mức cao nhất mọi thời đại đầu tiên của Bitcoin

Chỉ một vài ngày trước khi sang năm mới, giá của Bitcoin đã thiết lập mức cao nhất mọi thời đại mới tại 19,700 USD. Các loại tiền điện tử khác được hưởng lợi rất nhiều từ sự kiện này. Tổng giá trị vốn hóa của thị trường tiền điện tử đã phá vỡ kỷ lục ở mức 820 tỷ USD, với khoản đầu tư của các quỹ đầu tư mạo hiểm vào thị trường đạt 1 tỷ USDBitget được thành lập vào cuối năm 2018, chuẩn bị cho việc triển khai giao dịch xã hội bằng tiền điện tử.

Fidelity đã ra mắt nền tảng tổ chức tiền điện tử của mình và chính quyền Thụy Sĩ đã thêm BTC vào các phương thức thanh toán thuế của họ. Các cơ quan quản lý khác bắt đầu hỗ trợ việc sử dụng blockchain: Liên minh châu Âu cam kết 300 triệu USD để phát triển dự án blockchain và với chính phủ Hàn Quốc là 9 triệu USD.

2019-hiện tại: Trở thành một phần không thể thiếu của nền kinh tế toàn cầu

Sau vô số lời chỉ trích, thị trường tiền điện tử đã chứng minh được sự tồn tại của mình. Cuối cùng được công nhận là một loại tài sản mới trên toàn thế giới, tiền điện tử đang trở thành một phần tất yếu của hệ thống tài chính toàn cầu. Tất nhiên, dù còn nhiều việc phải làm, nhưng hành trình này đã có tác động mạnh mẽ và đáng kinh ngạc!

2019: Thời gian mở rộng quy mô!

Đây là năm mà số lượng tất cả các giao dịch Bitcoin đạt đến con số 400 triệu và số lượng giao dịch Ethereum hàng ngày vượt con số 1 triệu. Facebook, một trong những công ty được định giá lớn nhất thế giới, đã giới thiệu về kế hoạch tiền kỹ thuật số của mình, trong khi gã khổng lồ JPMorgan tung ra token được ngân hàng hỗ trợ đầu tiên tại Mỹ - JPM Coin.

Chủ đề đáng lo ngại nhất của năm là bảo mật. Bảy sàn giao dịch tiền điện tử đã bị tấn công, bao gồm cả Binance và BitHumb. Giá trị của các quỹ bị ảnh hưởng đã tăng lên đến gần 160 triệu USD, làm dấy lên các vấn đề về niềm tin liên quan đến mô hình ponzi của OneCoin.

2020: Thứ Năm Đen Tối và sự mở rộng chưa từng có

Toàn bộ thị trường đã bị rung chuyển đến tận gốc rễ với sự sụp đổ vào ngày 12 tháng 3 năm 2020, mà ngày nay thường được gọi là sự kiện "Thứ Năm Đen Tối" . Bitcoin, đồng tiền hàng đầu của tiền điện tử và Ethereum, nguồn gốc của tất cả các altcoin, đều mất 50% giá trị trong vòng một ngày, trong khi xương sống của DeFi là DAI mất peg. Tuy nhiên, DeFi đã phát triển mạnh mẽ sau khi Compound trình bày kế hoạch canh tác lợi suất của mình, bên cạnh Yearn Finance, SushiSwap và Pickle Finance. UniSwap, một kỳ lân thực sự, đã cho ra đời thuật ngữ airdrop; DeFi TVL đạt mức 10 tỷ USD - mức tăng danh nghĩa gấp 10,000 lần so với con số của năm 2017.

Với các hoạt động gia tăng chóng mặt trong lĩnh vực DeFi, chủ yếu được xây dựng trên blockchain Ethereum, đã làm trầm trọng thêm vấn đề tắc nghẽn và phí gas cao của mạng. Ban đầu sử dụng cơ chế đồng thuận PoW, Ethereum đã bắt đầu quá trình chuyển đổi sang PoS với lịch trình staking của Ethereum 2.0 (Giai đoạn 0).

Ngày càng có nhiều tổ chức hơn tham gia vào thế giới tiền điện tử, chẳng hạn như huyền thoại Paul Tudor Jones, Michael Saylor, Stan Druckermiller, cả các công ty lớn như CitiBank và Grayscale. S&P Dow Jones đã thông báo về việc sắp ra mắt Chỉ số tiền điện tử của mình. Visa đã thêm USDC vào phương thức thanh toán của mình và LinkedIn tiết lộ rằng blockchain là kỹ năng cần thiết nhất trong năm.

2021: DeFi, NFT, Metaverse

2021 là một năm bùng nổ của lĩnh vực tiền điện tử. Coinbase đã phát hành cổ phiếu và được công nhận là niêm yết mới lớn thứ bảy trong lịch sử của Mỹ. Giá trị Bitcoin đạt 70,000 USD, đưa vốn hóa thị trường của Bitcoin đạt đỉnh tại 1 nghìn tỷ USD. Bản nâng cấp được mong đợi nhất của Ethereum, EIP-1559, đã diễn ra, giải quyết được vấn đề phí gas cao ở một mức độ hạn chế. Các đối thủ cạnh tranh của Ethereum dần chiếm lĩnh thị phần, với Avalanche và Solana lọt vào top 10 loại tiền điện tử lớn nhất. DeFi đạt mức tăng trưởng 600% so với cùng kỳ năm ngoái, chạm mốc 200 tỷ USD ở mức cao nhất, nhưng cũng cho thấy lỗ hổng trị giá 7.7 tỷ USD - giá trị bị lừa đảo/tấn công/khai thác đã tăng 81% so với năm 2020.

Bất ngờ nhất chính là sự trở lại của NFT. Danh hiệu "NFT nổi tiếng nhất mọi thời đại" thuộc về Beeple, người sở hữu tác phẩm nghệ thuật NFT được bán với giá 69.3 triệu USD bằng Ethereum tại Christie's, địa điểm đấu giá mỹ thuật nổi tiếng có trụ sở tại Hoa Kỳ. Đó chỉ là khởi đầu của cơn sốt NFT vào năm 2021. Nằm trong danh mục Các tác phẩm nghệ thuật NFT là CryptoPunks, CryptoKitties và Bored Ape Yacht Club. Adidas và Nike cũng đã tham gia với việc sản xuất giày kỹ thuật số của mình. Mảnh ghép cuối cùng là Axie Infinity, đạt được thành công nhanh chóng với tư cách là Trò chơi NFT đầu tiên. Khi NFT dần trở thành xu hướng chủ đạo, nhiều người đã đổ xô đến thị trường này hơn, thúc đẩy việc mở rộng NFT trong Metaverse, không gian ảo với đồ họa tiên tiến. Khối lượng giao dịch NFT năm 2021 được ghi nhận là 23 tỷ USD.

Các chính phủ có những kế hoạch khác nhau để áp dụng công nghệ blockchain. El Salvador đã chấp nhận Bitcoin là tiền tệ hợp pháp, nhưng Trung Quốc đã cấm tất cả các hoạt động liên quan đến tiền điện tử và thử nghiệm với Nhân dân tệ kỹ thuật số. Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) tiếp tục từ chối ETF tiền điện tử; chỉ có Bitcoin ETF dựa trên hợp đồng tương lai (BITO) được chấp nhận. Tuy nhiên, các quỹ ETF Bắc Mỹ đã được các cơ quan quản lý Canada bật đèn xanh, nơi Bitcoin ETF đầu tiên (BTTC) ra mắt lần đầu trên Sàn giao dịch chứng khoán Toronto.

2022: Chứng minh khả năng phục hồi

Toàn bộ thị trường đã có một khởi đầu tuyệt vời trong năm nay, nhưng mọi thứ đã lệch hướng từ tháng 5. Sự sụp đổ của stablecoin thuật toán trị giá 18 tỷ USD của Terra; Tether tạo ra tình trạng hỗn loạn khi mất peg; giá trị Bitcoin hiện chỉ cao hơn đỉnh ở chu kỳ tăng cuối cùng của chính đồng tiền này. Nỗi sợ hãi và hoảng loạn đã bao trùm mọi ngóc ngách của thị trường, nhưng điều này không thể ngăn cản các BUIDLer thực hiện công việc của mình. Bất kỳ ai đã trải qua sự biến động của thập kỷ trước đều đang tận dụng triệt để sự sụt giảm, thừa nhận tình hình thực tế nhưng vẫn cố gắng sử dụng tốt khoảng thời gian này. Còn sáu tháng nữa để suy ngẫm, giữ bình tĩnh và xem tương lai sẽ ra sao. Như người ta thường nói, “Vậy Bitcoin đã chết? Chắc chắn bạn là người mới rồi."